Thế giới thứ ba, giới tính khác biệt, những người mang bệnh,… những định kiến về LGBT xuất phát từ đâu và liệu có thể xóa bỏ khi đã ăn sâu trong tiềm thức?

1. Sơ lược định kiến về LGBT

Bạn có biết, sự thật là định kiến không chỉ tồn tại riêng với người LGBT mà người hợp giới cũng chịu ảnh hưởng? Những khuôn mẫu “nam nhi là phải thế này, nữ nhi là phải thế kia” đã tồn tại suốt bao đời nay và xuất hiện nhiều tới mức được coi như là điều “hiển nhiên” mà nếu có ai đó lỡ đi ngược lại với khuôn mẫu đó sẽ lập tức bị coi là “bê đê”, là kì quái.

Khuôn mẫu đó cho rằng, một người nam hợp giới cần phải có sự nam tính, mạnh mẽ và kết hôn với người nữ hợp giới dịu dàng, nữ tính, công dung ngôn hạnh. Nam giới mà nhẹ nhàng, ẻo lả thì chỉ có “bọn bê đê”. Những khuôn mẫu này chính là khởi nguồn của định kiến, định kiến về giới, định kiến về LGBT.

Những định kiến về LGBT thực sự đã tồn tại như thế nào?

– Thông tin, hình ảnh từ những ấn phẩm truyền thông như sách báo, tạp chí về tuổi teen mà cha mẹ hay cho chúng ta đọc, khắc sâu vào tiềm thức chúng ta về việc con gái phải hành xử thế này, con trai nên hành động thế kia cùng với những phong cách thời trang, định hướng nghề nghiệp rất “thuần giới”.

– Thông tin từ các trang mạng xã hội, phim ảnh, trò chơi, truyền hình… về người LGBT hết sức hạn hẹp, đa phần tình yêu thuần túy có kết thúc đẹp đều đến từ người hợp giới. Đem đến cho hầu hết mọi người định kiến về LGBT là một cộng đồng không có kết thúc đẹp, không đáng để mong đợi.

– Những lời bài hát chứa đựng ngôn từ thiếu tôn trọng hoặc mang đầy định kiến về LGBT.

– Sự cổ hủ và thiếu kiến thức về giới tính của người thân, gia đình, bạn bè, trường học, xã hội,… cùng những phân biệt, định kiến về LGBT.

Thông tin sai lệch về Cộng đồng LGBT tồn tại ở khắp mọi nơi và không dễ để xóa bỏ bởi chúng ta không thể ép người khác tin vào điều mà họ không muốn tin. Khuôn mẫu tạo nên định kiến và định kiến gây ra sự kì thị.

Nhiều định kiến về cộng đồng LGBT còn tồn tại

2. Những định kiến thường thấy về LGBT

2.1 Đồng tính / Song tính / Chuyển giới là… một căn bệnh

Đến bây giờ vẫn có rất nhiều người mang định kiến về LGBT nói chung và người đồng tính, song tính, chuyển giới nói riêng rằng đây là thuật ngữ để chỉ một căn bệnh đi ngược lại với quy luật tự nhiên. Đây là định kiến hết sức thiển cận và sai lầm.

Đồng tính nữ, đồng tính nam và song tính là thuật ngữ thuộc nhóm “xu hướng tình dục”. Tức là những người có giới tính khi sinh ra không có khiếm khuyết và họ cũng không hề tự cho rằng mình thuộc một giới tính khác mà chỉ cảm thấy có hấp dẫn tình dục với người cùng giới (với người song tính là cả hai giới).

Não bộ và tâm lý của họ hoàn toàn bình thường, đây không phải một căn bệnh, cũng không thể lây nhiễm hay di truyền.

Chuyển giới nam, chuyển giới nữ là thuật ngữ thuộc nhóm “bản dạng giới”. Họ là những người có giới tính khi sinh ra hoàn thiện, không có khiếm khuyết nhưng cấu trúc não bộ của họ lại thuộc về giới tính khác. Con người thật sự của họ là một giới tính khác đang bị “nhốt”, bị “kìm kẹp” trong thân xác khác, trong giới tính khác.

Có thể coi đây là một sự không trùng khớp giữa cấu trúc não bộ và giải phẫu cơ thể, cũng không phải một căn bệnh.

“Bệnh lây nhiễm” là một dạng định kiến về LGBT khá phổ biến, khiến người trong cộng đồng LGBT thường bị cho là điều không tốt, không nên lại gần. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã loại bỏ “đồng tính” ra khỏi danh sách những căn bệnh toàn cầu từ những năm 1990, đồng thời cũng khẳng định đây không phải một chứng bệnh về rối loạn tâm lý, không cần thiết phải được điều trị.

Việc “điều trị” không chỉ khiến người LGBT không thể thay đổi mà còn khiến tâm lý họ bị tổn thương nặng nề, tự thấy ghét bỏ chính mình lâu dần dẫn tới trầm cảm và thậm chí là có ý muốn tự tử để có thể được giải thoát.

2.2 Định kiến về LGBT: LGBT chỉ là một “trào lưu”

Việc đấu tranh và hiện diện của cộng đồng LGBT đang tạo thành trào lưu xấu, khiến nhiều người trẻ bắt đầu tự “ngộ nhận” mình cũng là người LGBT?

Cũng không ít người nghĩ rằng “LGBT” hiện chỉ đang là một phong trào, đến một độ tuổi nào đó, khi đã đủ nhận thức sẽ “hết” và việc người LGBT cứ liên tục biểu tình, tự hào gây nên những hậu quả xấu cho lớp trẻ về sau. Định kiến càng nhiều thông tin về người LGBT thì sẽ càng “xuất hiện” nhiều đứa trẻ “học đòi” làm LGBT hơn?

Nhưng sự thật là người LGBT hoàn toàn không “nhiều lên” bởi phong trào, họ chỉ là đã can đảm hơn, đã dám đứng lên và thể hiện chính mình hơn sau khi thấy cộng đồng của mình đang cùng nhau đấu tranh. Họ bắt đầu dám công khai và sống thật với chính mình chứ không phải đang đua theo trào lưu.

2.3 LGBT có thể di truyền

Như đã nói ở trên, Đồng tính và Song tính là “Xu hướng tình dục”, Chuyển giới là “Bản dạng giới”. Việc bạn sinh ra là nam hay nữ không phải một sự lựa chọn và việc là LGBT cũng tương tự như vậy. Việc lựa chọn yêu một ai đó, sẽ trở thành một ai đó là quyết định của mỗi người. Nếu việc “LGBT có thể di truyền”, vậy tại sao “hợp giới” không thể di truyền?

LGBT không phải một căn bệnh, không có khả năng lây nhiễm, cũng không phải một dạng gen có khả năng di truyền. Nếu bạn cho rằng “LGBT có thể di truyền”, vậy tại sao những đứa trẻ là LGBT lại không nhận được sự di truyền “bình thường” từ những người cha, người mẹ hợp giới? Sự “LGBT” này xuất phát từ đâu nếu được coi là một “di truyền”?

Định kiến cho rằng LGBT có khả năng lây truyền

2.4 Người chuyển giới (Transgender) là người đồng tính (Gay/Les)

Như đã được đề cập qua ở trên. Người đồng tính là người được sinh ra với giới tính hoàn thiện, cấu trúc não bộ và nhận thức hoàn toàn trùng khớp với giới tính khi sinh ra của họ và họ chỉ có thể có hấp dẫn tình dục, cảm xúc tình yêu với người có cùng giới tính với mình.

Họ không có mong muốn hay có ý định chuyển giới, cũng không tự nhận mình là người của giới tính khác, họ đơn giản chỉ yêu người có cùng giới tính với mình mà thôi.

Còn người chuyển giới? Người chuyển giới là những người sinh là với giới tính hoàn thiện, không khiếm khuyết nhưng cấu trúc não bộ và nhận thức của họ lại không trùng khớp với giới tính khi sinh ra của họ và họ có thể có hấp dẫn tình dục với bất cứ giới nào, không nhất thiết phải là người có cùng giới tính khi sinh ra với mình.

Họ khát khao được chuyển giới (hoặc đã hài lòng hay không thể chuyển giới vì lí do sức khỏe, kinh tế,…) và tự nhận thấy con người thực sự của mình thuộc giới tính khác với giới tính khi sinh ra của mình.

Đồng tính là xu hướng tình dục, chuyển giới là bản dạng giới, hai thuật ngữ này hoàn toàn được tách biệt và không thể so sánh với nhau.

3. Định kiến về LGBT gây ảnh hưởng nặng nề

Hiện nay, dù đã có một số quốc gia công khai ủng hộ Cộng đồng LGBT và có những quy định nhất định để bảo vệ quyền LGBT nhưng phần lớn xã hội vẫn đem nhiều định kiến rất khó để xóa bỏ đối với họ. Không ít người trong Cộng đồng LGBT đang phải sống trong lớp vỏ bọc chỉ để tự bảo vệ mình khỏi sự phân biệt và bạo hành có thể xảy ra, điều này vô tình khiến họ mang những tổn thương tâm lý vô cùng nặng nề như:

– Tự thấy kinh sợ và căm thù chính bản thân mình: Chính những định kiến in sâu trong tiềm thức khiến họ mất niềm tin vào chính bản thân mình, lâu dần tin những lời đàm tiếu và nghĩ mình chính là người như họ nói và trở nên mặc cảm, ghê tởm, đem nhiều cảm xúc tiêu cực, tự tạo cho mình vỏ bọc ngụy trang để không bị phát hiện, cũng là để tự đánh lừa bản thân.

– Khép kín, sợ yêu thương: Tự kìm hãm cảm xúc của mình vì sợ bị cho là kì quái, không dám gần gũi với người khác vì sợ đem lại sự tổn thương. Họ chọn sống một cách lặng lẽ và tự tách biệt mình với người khác vì không dám đối mặt.

– Rối loạn nhân cách, tự chối bỏ bản thân: Sợ bị mọi người biết mình “không bình thường” dẫn đến tự chối bỏ chính mình, tự tạo ra cho mình những nhân cách khác để che giấu con người thật bên trong.

– Trầm cảm: Cảm xúc sợ hãi và căng thẳng kéo dài, lâu dần khiến lượng hormone sinh lý cortisol trong cơ thể tăng đến mức dư thừa dẫn đến suy nhược cơ thể sau đó là tự kỉ, trầm cảm kinh niên, nặng hơn là tự làm tổn thương chính mình hoặc có ý định tự từ bỏ mạng sống.

– Tìm tới chất kích thích để thư giãn: Không ít người trong Cộng đồng LGBT lựa chọn sử dụng các chất kích thích như cần sa, bia rượu, ma túy… để giải tỏa căng thẳng bởi áp lực phải bó buộc bản thân quá lâu.

4. Vai trò của truyền thông trong việc xóa bỏ định kiến về LGBT

Điều đáng mừng là ngày nay đã có không ít những thông tin tích cực và công bằng về cộng đồng LGBT từ các nguồn truyền thông như báo chí, phim ảnh,… đã phần nào giúp xã hội có cái nhìn tích cực hơn, giảm bớt những kỳ thị và phân biệt đối xử với người trong cộng đồng LGBT.

Theo khảo sát từ thực tế cho thấy, ở môi trường việc làm có tới gần 30% người trong cộng đồng LGBT bị từ chối việc làm vì xu hướng tình dục và bản dạng giới của mình, trong đó có 59% là người chuyển giới và 19,6% là người đồng tính / song tính. Với những người LGBT có việc làm thường cũng sẽ bị phân biệt đối xử, làm việc với mức lương thấp và không có khả năng thăng tiến.

Ở môi trường khác như nhà vệ sinh công cộng, tỉ lệ người LGBT bị kỳ thị, phân biệt đối xử là 28,7%; phòng thay đồ và phòng tắm công cộng là 25%; các khu vui chơi giải trí là 24,4% và trung tâm thương mại là 23,9%…

Trong một cuộc phỏng vấn, Th.S Lê Quang Bình – Nguyên Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE có đánh giá rằng: “Phương tiện truyền thông giữ vai trò quan trọng và tiên phong trong xóa bỏ những định kiến của xã hội đối với người đồng tính.

Việc thông tin chân thật, chính xác và khách quan về người đồng tính trên báo chí sẽ giúp cộng đồng biết, hiểu hơn về người đồng tính, giúp họ an tâm sống, học tập, làm việc đóng góp tích cực để xây dựng xã hội phát triển”.

Ông Bình có dẫn chứng, trong một khoảng thời gian dài, trên màn ảnh lớn và cả màn ảnh nhỏ Việt Nam phần lớn xuất hiện những bộ phim rập khuôn người trong cộng đồng LGBT có tạo hình quá đà, trang điểm lòe loẹt, õng ẹo thiếu tự nhiên, thiếu kiến thức xã hội và trình độ học vấn không cao khiến nhiều người có định kiến không tốt và tạo nên mặc cảm cho người trong cộng đồng.

Ông cũng đưa ra thêm dẫn chứng về bộ phim về tình yêu đồng tính mới công chiếu mấy năm gần đây đã tạo nên tiếng vang lớn và đem lại nhiều cái nhìn tích cực hơn với cộng đồng LGBT – Love, Simon.

Khác với những bộ phim có yếu tố LGBT khác, “Live, Simon” có cái một cái kết có hậu vô cùng đẹp, nội dung phim nhẹ nhàng và tuyến nhân vật rất đỗi đời thường đem đến cho khán giả cảm giác ấm áp và hạnh phúc đồng thời giúp khán giả thấu hiểu hơn về sự đấu tranh và mưu cầu hạnh phúc rất giản đơn. Đây được coi như một bước đệm đầy tích cực cho cộng đồng LGBT.

Xóa bỏ những định kiến về LGBT bằng nhiều cách

Có thể thấy, bên cạnh việc ban hành luật pháp nhằm bảo vệ quyền LGBT, một trong những điều mà người trong cộng đồng LGBT đang cần hơn tất cả là sự đồng hành và hợp tác từ giới truyền thông nhằm giúp xã hội có cái nhìn tích cực hơn, xóa bỏ định kiến về LGBT, xóa bỏ những mặc cảm và tự ti dai dẳng trong lòng những người trong cộng đồng. Nếu không thể thấu hiểu, hãy cảm thông.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *