LGBT là viết tắt của từ gì? Những khái niệm xoay quanh thuật ngữ “LGBT” và ý nghĩa mà có thể bạn chưa biết…
1. LGBT là viết tắt của từ gì?
LGBT là cụm từ viết tắt của các thuật ngữ trong tiếng Anh.
LGBT (ngày nay được gọi là LGBTQ+) là các từ viết tắt của L – Lesbian (đồng tính nữ), G – Gay (đồng tính nam), B – Bisexual (song tinh), T – Transgender (người chuyển giới).
LGBT đã được thêm Q – Queer (khác biệt) hoặc Questioning (đang tìm hiểu) và dấu + (chỉ sự đa dạng, còn nữa) vì các nhà nghiên cứu nhận ra sự đa dạng của xu hướng tính dục và bản dạng giới thật sự bao la hơn những gì chúng ta nghĩ, ví dụ như: N – Non-binary (phi nhị nguyên giới), I – Intersex (liên giới tính), A – Asexual (vô tính)…
2. LGBT và các biến thể
2.1 LGBT+Q – Queer
“Queer” là một thuật ngữ bao gồm nhiều ý nghĩa được dùng để chỉ sự đa dạng và khác biệt. Khác biệt ở đây không phải “lập dị”, là “khác người” mà khác biệt ở đây là chỉ sự độc nhất và đặc biệt. Trong đó:
– Queer (Kỳ quặc, thú vị):
Những người có cách thể hiện giới độc đáo, không có giới hạn về giới tính, có thể là kỳ dị với một số người nhưng cũng có thể lôi cuốn, thu hút với một số người (tùy vào cảm quan).
– Queer (Bị thu hút bởi đa dạng giới tính):
Những người bị hấp dẫn, thu hút về mặt tình yêu, tình dục với bất cứ ai, có thể là nữ giới, nam giới, người liên giới, chuyển giới, song tinh, đồng tính,… hoặc những người có nét “Queer” giống họ; Họ là những người tự cảm thấy bản thân có biểu hiện về tính dục và giới khác thường, hiếm gặp hơn so với những người xung quanh (thuật ngữ để chỉ xu hướng tính dục, bản dạng giới một cách mơ hồ).
– Queer (Không thuần dị tính):
Những người không thuần dị tính (tức là không hoàn toàn chỉ bị thu hút bởi người khác giới), thuật ngữ này giúp họ không có cảm giác bị đóng khuôn vào các định nghĩa cứng nhắc như “đồng tính”, “dị tính” hoặc “chuyển giới”…
Queer (Người ủng hộ sự đa dạng):
Những người chống lại sự “tiêu chuẩn hóa” – những người tự cảm thấy bản thân mình có sự khác biệt nhưng không muốn gói mình vào một danh xưng nhất định. Hiện nay, họ dùng thuật ngữ “Queer” như một đòn phản kháng mạnh mẽ dành cho cộng đồng Homophobia (kỳ thị đồng tính).
2.2 LGBT+Q – Questioning
“Questioning” là một thuật ngữ được dùng để chỉ những người đang trong quá trình tìm hiểu, khám phá bản thân. Họ đang chưa chắc chắn về bản dạng giới hoặc xu hướng tính dục của mình. Đây là một việc hết sức bình thường vì không phải ai cũng có thể thấy thoải mái với các nhãn dán và càng tìm hiểu sâu, càng dễ có thêm cơ hội tự mình chấp nhận và giúp người khác chấp nhận.
2.3 LGBT+I – Intersex
“Intersex” (Liên giới tính) là thuật ngữ được dùng để chỉ những người có đặc điểm giới tính (trong hoặc ngoài hoặc cả trong cả ngoài) không rõ ràng, khiến việc xác định giới tính khi sinh ra gặp nhiều khó khăn. Những đặc điểm đó bao gồm cơ quan sinh sản, bộ phận sinh dục, nhiễm sắc thể giới hoặc nội tiết tố,… có thể xuất hiện rõ ràng từ lúc mới sinh ra, cũng có thể đến tận khi dậy thì các biểu hiện mới bắt đầu lộ dần (cũng có nhiều trường hợp cả đời không biết mình là người liên giới do các dấu hiệu xuất hiện ở bên trong, cần được xét nghiệm để xác định rõ).
3. Những khái niệm xung quanh LGBT viết tắt
3.1 Bản dạng giới
Bản dạng giới (cách gọi khác là nhân dạng giới) là thuật ngữ được ra đời từ năm 1964 bởi Robert J. Stoller. chỉ sự nhận thức của một người về giới tính của chính họ một cách chủ quan, có thể đồng nhất hay không đồng nhất với giới tính khi sinh ra cũng như cách họ thể hiện giới. Bao gồm: Nam giới, nữ giới, chuyển giới nam, chuyển giới nữ, phi nhị nguyên giới, đa dạng giới, vô giới,…
Khái niệm về bản dạng giới và xu hướng tính dục là hai khái niệm khác nhau, không nhất thiết phải đồng nhất. Chẳng hạn một người có bản dạng giới là người chuyển giới nam, tức là bản thân họ nhận định mình là nam giới và không chỉ có thể yêu nữ giới, họ có thể yêu cả nam giới hoặc không yêu ai,… (xu hướng tính dục). Vậy, xu hướng tính dục là gì?
3.2 Xu hướng tính dục
Xu hướng tính dục là thuật ngữ chỉ sự hấp dẫn, thu hút về mặt tình dục, tình cảm (hoặc cả hai) với người khác (có thể cùng giới, khác giới hoặc bất cứ giới nào). Bao gồm: dị tính, đồng tính, song tính, vô tính, toàn tính,…
Như đã nói ở trên, bản dạng giới và xu hướng tính dục là hai khái niệm tách biệt, không mang tính quyết định lẫn nhau. Tức, một người có bản dạng giới là người chuyển giới nam hoàn toàn có thể yêu nữ dị tính (Transguy – người chuyển giới nam thẳng), người chuyển giới nam yêu nam giới (Transgay – người chuyển giới đồng tính nam), người chuyển giới nam yêu cả hai giới (Transbi – người chuyển giới song tính nam) và tương tự với những bản dạng giới khác.
4. Có nên công khai bản thân thuộc cộng đồng LGBT?
Việc công khai và sống thật với chính mình là một trong những cách hoàn hảo nhất giúp cộng đồng LGBT giải tỏa bức bối giới nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều người không thể công khai vì nhiều lí do khác nhau như: gia đình ngăn cấm, đặc thù công việc, trường học kỳ thị,…
Việc có nên công khai hay không còn tùy vào từng đối tượng, hoàn cảnh và thời điểm. Không có cách công khai nào là đúng, cũng không có cách công khai nào là sai. Việc công khai là cả một quá trình dài mà các bạn cần phải vượt qua để có được cơ hội sống chân thật hơn không chỉ với chính bản thân mình mà còn cả với những người xung quanh và mỗi người trong các bạn đều có quyền được chọn cho mình một cách công khai riêng, vào thời điểm, vào hoàn cảnh mà bạn cho là phù hợp nhất. Tuy nhiên, trước khi quyết định công khai các bạn cần:
4.1 Cởi mở với chính mình
Đầu tiên, bạn cần thấu hiểu, tự tin và cởi mở với chính bản thân mình, chấp nhận và đón nhận mọi thứ về mình bởi nếu chính bản thân bạn còn đang cảm thấy hoài nghi, rụt rè thì người khác có thể lấy lí do gì để đặt niềm tin vào bạn?
4.2 Kiên nhẫn và từ tốn với chính bản thân mình
Trong quá trình “cởi mở”, có thể bạn sẽ cần trải qua những lần cảm thấy bối rối về việc “mình thực sự là ai?” bởi lượng thông tin và kiến thức mà bạn tìm hiểu được quá nhiều khiến bạn hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, đây là một điều hết sức bình thường. Không có gì sai khi bạn tìm nhiều thông tin để hiểu hơn về chính mình. Việc không ngừng đặt câu hỏi cũng là một dấu hiệu tốt cho thấy bạn đang dần tiến gần về đích hơn.
4.3 Lập kế hoạch công khai
Yếu tố quyết định cho việc công khai có thể diễn ra thuận lợi là lập kế hoạch thật kĩ. Hãy vạch ra những câu hỏi và tự trả lời, nếu tất cả câu trả lời là “có”, xin chúc mừng bạn đã có cơ hội công khai thành công rất cao:
– Bạn có nhận thấy những tín hiệu tích cực từ những người xung quanh bạn khi nhìn nhận về cộng đồng LGBT không?
– Bạn có chắc chắn rằng bản thân mình đã hiểu hết về cộng đồng LGBT cũng như là chính bản thân bạn để có thể chia sẻ kiến thức cho những người xung quanh (đặc biệt là những người mà bạn chuẩn bị công khai) không?
– Bạn đã có bên mình người luôn sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ chưa?
– Bạn có chắc đây là thời điểm thích hợp để công khai chưa? Tại sao?
– Bạn có đủ nhẫn nại để chờ đợi sự đón nhận bất kể điều đó cần rất nhiều thời gian không?
– Bạn đang muốn công khai cho mọi người về cảm xúc của bạn, hay về danh xưng của bạn?
Và đặc biệt, hãy lưu ý chuẩn bị tinh thần:
– Tự tin với chính bản thân mình.
– Luôn chuẩn bị tâm thế đón nhận những gian nan, thử thách.
– Chọn ra một người tin tưởng nhất để công khai đầu tiên.
– Chuẩn bị trước những thông tin và kiến thức cần thiết cho người nghe.
– Liệt kê trước những câu hỏi có khả năng sẽ nhận được và chuẩn bị câu trả lời.
– Chọn không gian và thời điểm công khai thích hợp.
– Mở đầu câu chuyện một cách thật chậm và chân thành.
– Chia sẻ cảm giác của mình nhưng đừng quên tôn trọng cảm xúc của người nghe.
– Hãy kiên nhẫn cho người đối diện thời gian để thông cảm và thấu hiểu thay vì mất bình tĩnh, kết thúc câu chuyện đột ngột.
LGBT là viết tắt của Lesbian (đồng tính nữ) – Gay (đồng tính nam) – Bisexual (song tính) – Transgender (chuyển giới), thuật ngữ chỉ những người có bản dạng giới, xu hướng tính dục “đặc biệt” nhưng không “dị biệt”. Có thể nói cho tới thời điểm này, khái niệm về LGBT vẫn chưa thực sự được nghiên cứu kĩ càng tại Việt Nam nhưng xã hội cũng đã dần quen và có cái nhìn tích cực hơn về cộng đồng. Nếu không thể thấu hiểu, hãy cảm thông!