Sau bao nỗ lực về bảo vệ nhân quyền và phát động bảo vệ, quyền LGBT ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực và có thể hi vọng…
1. Quyền LGBT là gì?
Khi nghe nhắc tới “Quyền LGBT”, nhiều người cho rằng cho rằng người trong cộng đồng này ở Việt Nam nói riêng hay trên toàn thế giới nói chung đang đòi hỏi một điều gì đó xa vời và đặc biệt hơn so với những người khác và tỏ rõ thái độ thù địch, khó chịu.
Tuy nhiên, “Quyền LGBT” ở đây chính là “Quyền con người”, cũng tương tự như với “Quyền phụ nữ”, “Quyền người da màu”,… chứ không phải quyền gì khác biệt hay cao cấp hơn cả.
2. Những luật liên quan đến thực thi Quyền LGBT ở Việt Nam
Dưới đây là một số luật có liên quan đến việc thực thi Quyền LGBT ở Việt Nam, những vấn đề mà người trong Cộng đồng đang gặp phải:
– Hiến pháp 2013: Liên quan đến quyền bình đẳng trước pháp luật – Bình đẳng giới, quyền kết hôn, ly hôn và không phân biệt đối xử.
– Bộ luật Dân sự 2015: Liên quan đến quyền thay đổi giới tính, họ tên của người chuyển giới và liên giới ở Việt Nam.
– Pháp luật hành chính: Liên quan đến giấy tờ nhân thân, hộ tịch của người chuynể giới và liên giới ở Việt Nam.
– Bộ luật hình sự 2015: Liên quan đến việc xác định yếu tố xác định nhân thân, giới tính, tội phạm.
– Luật Hôn nhân và Gia đình – Số 52/2014/QH13: Liên quan đến điều kiện kết hôn và nuôi con của người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới,… ở Việt Nam.
– Pháp luật lao động: Liên quan đến vấn đề kì thị, phân biệt đối xử với người lao động là người LGBT ở Việt Nam.
– Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em – Số 25/2004/QH11: Liên quan đến quyền trẻ em là trẻ LGBT ở Việt Nam.
– Luật Giáo dục – Số 38/2005/QH11: Liên quan đến quyền được học tập và cơ hội tiếp cận với nền giáo dục hay nạn kỳ thị, bạo lực học đường với thanh thiếu niên LGBT ở Việt Nam.
– Luật Bình đẳng giới – Số 73/2006/QH11: Liên quan tới khái niệm về giới tính và giới của người LGBT ở Việt Nam.
– Luật phòng chống bạo lực gia đình – Số 02/2007/QH12: Liên quan đến các hành vi bạo lực gia đình với người LGBT ở Việt Nam.
– Luật khám bệnh, chữa bệnh – Số 40/2009/QH12: Liên quan đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế và sự kỳ thị trong cơ sở y tế đối với khách hàng là người LGBT ở Việt Nam.
– Luật Nuôi con nuôi – Số 52/2010/QH12: Liên quan đến việc nhận con nuôi của người đồng tính, song tính và chuyển giới… ở Việt Nam.
– Luật Nghĩa vụ quân sự và các luật sửa đổi bổ sung: Liên quan đến vấn đề thực hiện nghĩa vụ quân sự của người đồng tính, song tính và chuyển giới,… ở Việt Nam.
– Pháp luật liên quan tới phòng chống HIV/AIDS.
3. Quyền LGBT ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại
3.1 Quyền kết hôn, chung sống và nuôi con
Hành vi tình dục đồng giới
Việc quan hệ tình dục giữa hai người đồng giới hoàn toàn không vi phạm pháp luật, miễn đó là mối quan hệ tự nguyện, có sự chấp thuận từ cả hai bên và cả hai đều trên 16 tuổi đồng thời không có yếu tố mại dâm trong mối quan hệ này.
Tổ chức lễ cưới
Theo Điều 8 – Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, kết hôn đồng giới hiện không bị cấm ở Việt Nam, nhưng cũng không được công nhận. Vì vậy việc đăng ký kết hôn với người yêu đồng giới ở Việt Nam là không thể.
Các bạn vẫn có thể tổ chức lễ cưới như một buổi tiệc mừng, điều này hoàn toàn không vi phạm pháp luật và không cá nhân hay tổ chức nào có quyền được dừng buổi tiệc của hai bạn.
Chung sống cùng giới
Hiện tại, việc chung sống cùng giới của người đồng tính và song tính ở Việt Nam hoàn toàn sẽ không nhận được sự bảo vệ từ pháp luật. Việc chung sống cùng giới của hai người đồng tính ở Việt Nam sẽ được pháp luật coi là quan hệ dân sự giữa hai người bình thường và chỉ được bảo vệ tuyệt đối khi có giấy chứng nhận kết hôn, chung sống hợp pháp.
Nuôi con chung
Như bao công dân Việt Nam khác, người đồng tính, song tính và chuyển giới,… cũng có thể có con và được pháp luật công nhận khi:
– Sinh con theo phương pháp tự nhiên: Có thể là con riêng của bạn với vợ/chồng cũ hoặc con của bạn và bạn đời hiện tại (đối với những cặp đôi chuyển giới, song tính… kết hôn khác giới).
– Sinh con theo phương pháp khoa học: Bạn có thể xin hoặc mua tinh trùng theo đúng quy định pháp luật nếu bạn là đồng tính nữ hoặc chuyển giới nam (có giới tính sinh ra là nữ) và đã được xác nhận độc thân.
– Nhận con nuôi: Pháp luật Việt Nam hiện không thừa nhận một cặp vợ chồng hợp pháp có thể nhận con nuôi nên nếu bạn đã được xác nhận độc thân, bạn có quyền nhận con nuôi (áp dụng được cho cả đồng tính, song tính và chuyển giới…).
3.2 Quyền được bảo vệ khi bị phân biệt, bạo hành…
Xâm hại tình dục
Hành vi tình dục đồng giới xảy ra ngoài ý muốn hoặc do hiếp dâm là hành vi vi phạm pháp luật tương tự như với người hợp giới, bạn hoàn toàn có quyền đâm đơn kiện và đòi lại công bằng cho chính mình.
Tuy nhiên, đối với người chuyển giới đã thực hiện phẫu thuật chuyển giới nếu bị xâm hại tình dục sẽ không thể đâm đơn kiện với lí do hiếp dâm mà chỉ có thể kiện với lí do bị làm nhục hoặc “cố ý gây thương tích”. Vì luật pháp Việt Nam hiện chưa công nhận tình trạng cơ thể của người chuyển giới. Đây cũng chính là một trong những hạn chế đáng buồn của pháp luật Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
Bạo lực gia đình
Pháp luật Phòng chống Bạo lực gia đình Việt Nam không quy định đối tượng được bảo vệ thuộc giới nào nên người trong Cộng đồng ở Việt Nam hoàn toàn có quyền nhận được sự hỗ trợ từ pháp luật khi bị đánh đập, hành hạ, ngược đãi, gây áp lực tâm lí,… từ gia đình của mình (Theo Luật Phòng chống Bạo lực gia đình – Điều 2).
Bên cạnh đó, nếu bạn bị gia đình ép buộc khám chữa “bệnh đồng tính” mà không có sự tự nguyện hay được đồng ý từ bạn cũng được tính là một hành vi vi phạm pháp luật (Theo Luật khám bệnh, chữa bệnh – Điều 6).
Nhạo báng, sỉ nhục
Theo Luật Giáo dục – Số 38/2005/QH11 và Luật Bình đẳng giới – Số 73/2006/QH11, những người đồng tính, song tính, liên giới hay chuyển giới… ở Việt Nam hoàn toàn có quyền được học tập và làm việc bình đẳng như bao công dân khác mà không phải chịu sự phân biệt, kỳ thị bởi bất cứ ai.
Bị kỳ thị khi tham gia khám, chữa bệnh
Theo Luật khám bệnh, chữa bệnh – Số 40/2009/QH12, người đồng tính, song tính, chuyển giới,… ở Việt Nam cũng như bao công dân Việt Nam khác hoàn toàn có quyền được tiếp cận dịch vụ y tế cũng như là từ chối thăm khám khi chưa có sự tự nguyện, đồng ý mà không bị kỳ thị, phân biệt bởi xu hướng tình dục hay bản dạng giới của mình.
Pháp luật Việt Nam hiện tại nghiêm cấm sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong môi trường phòng khám, bệnh viện… Đạo đức ngành y không cho phép bất kỳ một y bác sĩ nào có quyền được đánh giá, kỳ thị hay từ chối khách hàng mà không có lí do chính đáng.
3.3 Nhân thân và hộ tịch
Đổi thông tin (ảnh cá nhân, tên họ, giới tính)
Nếu bạn là người liên giới tính đã thực hiện phẫu thuật xác nhận lại giới tính và có giấy chứng nhận y tế sau phẫu thuật, bạn có quyền thay đổi thông tin cá nhân trên giấy tờ tùy thân bao gồm hình ảnh, tên họ và giới tính.
Nếu bạn là người chuyển giới đã thực hiện phẫu thuật chuyển giới, bạn có quyền thay đổi thông tin cá nhân trên giấy tờ tùy thân bao gồm hình ảnh và tên họ (Theo Bộ luật Dân sự 2015) nhưng không được phép thay đổi giới tính vì chuyển giới hiện tại chưa hợp pháp tại Việt Nam.
Giấy chứng minh nhân thân
Với người chuyển giới ở Việt Nam, do pháp luật Việt Nam quy định dẫn đến khó khăn trong việc trong thực hiện các giao dịch dân sự hàng ngày của họ. Đây là điều mà các nhà hoạt động cũng đang cố gắng nỗ lực lên tiếng để cộng đồng LGBT cũng nhận được những quyền lợi nhất định.
Vì vậy, trong lúc pháp luật chưa có sự thay đổi, các bạn nên cân nhắc thật kĩ trước khi đưa ra quyết định phẫu thuật thay đổi ngoại hình hay thể hiện giới của mình. Bên cạnh đó các bạn cũng có thể thay đổi hình ảnh trên giấy tờ khớp với ngoại hình của mình sau phẫu thuật.
3.4 Phẫu thuật xác nhận lại giới tính
Nếu bạn là người liên giới tính, có khuyết tật về bộ phận sinh dục từ khi sinh ra, bạn có quyền phẫu thuật xác nhận lại giới tính:
– Dưới 9 tuổi: Cần sự quyết định từ bố mẹ hoặc phụ huynh.
– Từ 9 – 18 tuổi: Có thể tự quyết định giới tính phẫu thuật.
Nếu bạn là người liên giới tính đã phẫu thuật xác nhận lại giới tính nhưng lại không chấp nhận với giới tính đó của mình, bạn có quyền thực hiện thay đổi lại giới tính theo đúng giới tính mà mình mong muốn (Theo Bộ luật Dân sự 2015).
Hiện nay đang có nhiều sửa đổi về luật liên quan trực tiếp tới LGBT như: Bộ luật Dân sự, Luật Hộ tịch, Bộ luật Hình sự, Luật nuôi con nuôi, Luật Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em,… và đặc biệt là Luật Chống phân biệt đối xử.
Khi Quyền LGBT ở Việt Nam còn chưa có sự hoàn thiện, các bạn hãy nắm cho mình thật vững những kiến thức cần thiết về chính bản thân mình cùng những bộ luật khác để có thể tự bảo vệ bản thân hoặc kêu gọi sự giúp đỡ khi cần thiết.